CHÀNG TRAI NGÔ NGỐ ẤY ...

Lý Thái Phương


Cậu em họ mà thường ngày tôi và cả nhà, thậm chí cả bạn bè nó nữa vẫn gọi trêu là ngơ ngơ, ngô ngố vì cái khuôn mặt hiền lành với đôi mắt mở to luôn mang vẻ ngơ ngác rất buồn cười, vừa trở về sau chuyến đi cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lũ. Xe hỏng nên vạ vật dọc đường cả đêm, tinh mơ mới về đến Hà Nội, mặt mũi nó bơ phờ vì thức đêm và đói meo nên càng thấy ngơ ngơ, ngô ngố hơn, nhìn mà xót cả ruột. Nhưng mắt nó thì vẫn mở to hết cỡ, tròn, long lanh, và vẫn rất hiền lành. Thế nên nhìn vẫn thấy vẻ ngơ ngơ, ngồ ngộ.

 Cậu chàng về vui lắm. Chẳng là cậu cùng với một bạn nữa áp tải xe hàng huy động được từ bạn bè và các nhà hảo tâm gồm gạo, mỳ, nước uống, dép, quần áo và cả tiền mặt nữa vào hỗ trợ bà con Quảng Bình khắc phục hậu quả sau bão, nhất là cơn bão số 11 tàn khốc vừa rồi. Những ngày trước khi đi, cậu ta đôn đáo huy động, thu gom, nhận hàng. Căn nhà của cô tôi khá rộng thế mà cậu ta chở về nào gạo, mỳ, quần áo, chăn màn, dép guốc...xếp ăm ắp. Ai cũng ngạc nhiên, vì ngố ngố như cậu mà đi phát động phong trào ủng hộ bà con miền Trung gặp khó, lập tức được rất nhiều người ủng hộ. Không những bạn bè, bà con trong nước mà cả một vài bà con Việt kiều ở tít nước ngoài biết được chương trình của cậu qua người quen, người nhà cũng xin được góp một phần. Cậu còn huy động được cả  xe tải để chở hàng đi nữa. Xe chở đầy ắp hàng, xuất phát trước, còn cậu và anh bạn thì mua vé xe khách đi vào rồi hẹn gặp nhau trong đó.

Cậu em họ này của tôi năm nay đã ba mươi mấy rồi mà không thấy hó háy  người yêu hay bạn gái gì khiến gia đình, họ hàng và bạn bè cứ lo lo, thậm chí đôi người còn chút băn khoăn liệu cậu ta có vấn đề gì không. Trước những trêu đùa và cả lo lắng ấy cậu chỉ cười, mắt cứ tròn, cứ mở to, hiền khô, ngồ ngộ.

Tôi là chị và khá thân với cậu. Và hầu như tôi không bận tâm đến điều mà mọi người bàn tán trêu chọc cậu, kể cả chuyện muộn vợ hay vấn đề gì về giới tính hay không, bởi thời nay đám thanh niên trai muộn vợ gái muộn chồng là chuyện bình thường, các cô các cậu ý còn mải học hành, làm ăn. Tuy thế, cậu em tôi cũng là người thiệt thòi vì ít có điều kiện ăn học như các bạn đồng trang lứa. Bố của cậu- chú tôi, mất sớm từ khi cậu mới 2 tuổi và cô tôi tần tảo nuôi mấy anh em cậu khôn lớn.

Cho đến hôm có việc cần đột xuất, tôi ghé qua phòng làm việc thấy cậu đang có khách là một cô gái vừa tốt nghiệp đại học, đến trả lời phỏng vấn vào một vị trí trong công ty. Đang trao đổi, rồi cậu hỏi địa chỉ thư điện tử, cô gái đang ngồi trước mặt cậu liền kéo kế đứng dậy chuyển sang ngồi cạnh cậu, chắc là để kê khai địa chỉ trên màn hình máy tính. Lập tức thấy cậu giật mình, lùi phắt ra, mặt đỏ bừng, lúng túng và hơi khó chịu khiến cô gái xinh đẹp chân rõ dài kia cũng ngỡ ngàng, giật mình theo....Tôi ngồi ở góc phòng chờ cậu, chứng kiến cảnh đó, phì cười rồi chợt thoáng trở lại với lo ngại của cô tôi và đám bạn bè của cậu, rằng cậu này không hiểu có vấn đê gì về giới tính hay không. Nghe đâu rồi cô gái xinh đẹp và hiện đại ấy trượt vòng sơ tuyển đó.

Trở lại chuyến cứu trợ, sáng nay sau bát phở nóng hổi, khuôn mặt vương chút hồng hào trở lại, cậu kể cho chúng tôi chuyến đi thật giá trị và thật đáng nhớ kia. Đây là cụ già phong phanh trong tấm áo mỏng giữa buổi sớm của cái lạnh đầu mùa tay run run đỡ chạm vào bao gạo được cậu bé bên cạnh mang giúp. Kia là mấy chị đang hối hả trao đổi lựa chọn những chiếc áo ấm, những đôi dép sao cho hợp với mấy đứa con - đứa thì chân đất ở truồng rụt rè, đứa thì tuơi hớn hở vì được mặc áo mới xúm quanh. Kia nữa là vài cậu bé đang lễ mễ bê những thùng mỳ ăn liền, những bao gạo được chia tản dần về nhà. Quang cảnh hỗ trợ bà con miền Trung bị bão cứ diễn ra hối hả, nghĩa tình qua lời kể và những bức ảnh hiếm hoi cậu mang về. Lâu nay tôi thấy cậu em mình cứ lơ ngơ lơ ngơ thế, vậy mà không ngờ cậu và anh bạn vô cùng linh hoạt. Chỉ có 2 chàng trai với một xe đầy ắp hàng, bốc xuống sân trường còn đang đổ nát, tan hoang thế mà mọi việc cứ bon bon bon bon.

Cậu cũng kể và cho xem những bức ảnh các gia đình mà hai cậu đã đến tận nơi, ghé thăm và thật sự thấy đau lòng. Nhà cửa tan hoang, trống trải, đến cái xoong, nồi còn vương lại trên nền bếp cũng vỡ nát và méo mó. Kể đến đây đôi mắt ngơ ngác của cậu chợt trở nên ngơ ngác hơn, xa xôi hơn. “ Em nhớ ngày còn nhỏ, nhà nghèo, nhiều lúc chúng em cũng đói, rét như bà con miền Trung lúc này”

Cậu kể, chúng em không chia quần áo ấm ra từng phần để hỗ trợ các gia đình như gạo, mỳ, hay tiền mặt mà phân loại quần áo trẻ em người lớn, phân loại áo khoác, áo len hay các loại khác nhau để bà con dễ biết cách chọn loại nào cho hợp lý. Cách làm này tuy có vất vả phức tạp hơn nhưng có sự phối hợp, giúp đỡ của cán bộ thôn xã, và đoàn thanh niên địa phương nên khá là hiệu quả. Dù hàng hóa hỗ trợ không nhiều so với nhu cầu thực tế nhưng những gì bà con nhận được đều là những loại hàng phù hợp và cần thiết cho cuộc sống trước mắt. Dẫu biết rằng phần hỗ trợ rất ít ỏi song tấm lòng thơm thảo sẻ chia của bà con cả nước đối với miền Trung và đặc biệt là của các nhóm bạn bè như nhóm cậu em ngỡ là ngô ngố của tôi thật đáng trân trọng.


Và chiều tối hôm ấy, cậu chạy xe sang nhà tôi, ngồi chơi mãi, rồi ngập ngừng, bẽn lẽn “chị à, hôm rồi vào trong nớ em quen một bạn gái trong tốp thanh niên phối hợp cứu trợ…” Tôi quay phắt lại, thấy khuôn mặt cậu dường như bừng  lên, mắt vẫn tròn, mở to, rất hiền và khuôn mặt thì vẫn mang vẻ ngô ngố, ngộ ngộ muôn thuở../.    

0 nhận xét:

.