CẢNH GIÁC KHÔNG PHẢI LÀ QUAY ĐI



Nghịch lý đang diễn ra ở khu vực thực phẩm, rau quả. Những quả cà chua hồng mọng, to căng, nhiều quả nặng đến gần nửa cân nhưng lại đang ế ẩm khắp chợ Lâm Đồng. Những con gà con vịt làm sẵn tươi ngon với màu da vàng tự nhiên không hề tẩm ướp hóa chất hay phẩm màu được đóng gói trong bao bì có dấu kiểm dịch cũng xếp lặng lẽ trên các quầy hàng hay tủ đông lạnh ở chợ hay siêu thị của các thành phố lớn. Bắp cải xanh, cà rốt đỏ và nhiều loại rau quả ngon lành khác cũng cùng chung số phận. Chỉ vì người tiêu dùng tưởng thực phẩm, rau quả đó là hàng độc hại, hàng nhập khẩu từ bên kia biên giới, là loại hàng giả, hàng kém chất lượng đội lốt hàng Việt Nam. Thế nhưng người tiêu dùng cũng cần biết rằng, cảnh giác chứ không phải là quay đi.

Thật ra, cũng không thể trách cứ người tiêu dùng. Sau hàng loạt vụ các gia đình, học sinh, công nhân bị ngộ độc do rau quả, thực phẩm nhiễm độc và không đảm bảo chất lượng xảy ra khắp nơi, nhiều người tiêu dùng đã nâng cao cảnh giác và thực sự quan tâm đến chất lượng rau quả thực phẩm, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Sự cảnh giác được thực hiện tới mức thà bỏ nhầm còn hơn mua phải hàng độc hại này đã khiến gà vịt, rau củ quả được sản xuất, vun trồng đảm bảo quy trình chất lượng lại bị ế ẩm, thua thiệt.

Câu chuyện một số gia đình trong vùng trồng rau giành riêng khoảnh đất để trồng rau ăn cho gia đình mình trong thực tế không phải là không có, hoặc ít ra nó cũng được lưu truyền từ người này sang người khác, từ địa phương này sang địa phương khác khiến cho nó tồn tại và trở thành chuyện hiển nhiên. Rồi ngay cả vùng trồng rau sạch vốn được tin tưởng tuyệt đối đã đang tâm nhập khẩu rau Trung Quốc có phun hóa chất cấm để giao hàng cho các siêu thị và bán cho người tiêu dùng. Từ đó hình thành câu chuyện mang đầy nghịch lý, ra chợ cứ tìm mua các loại rau củ quả cằn cỗi, có những con sâu hay là bị sâu ăn khiến cho xấu xí thì mua về ăn cho an toàn. Và gia cầm dù được nuôi tập trung, giết mổ theo dây chuyền đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có dấu kiểm dịch, đóng gói bao bì niêm phong … vẫn ế, nhà sản xuất thua lỗ còn thị trường vẫn thiếu thực phẩm. Còn rau củ quả thực phẩm dù có được sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn quy định cũng bị người tiêu dùng quay đi.

Trước, có cơ sở giết mổ gia cầm tiêu chuẩn xuất hàng gà sạch cho các siêu thị, khách sạn, nhà hàng, giao hàng tận Hà Nội, Hải Phòng và khắp các địa phương cả nước nay gần như ngừng hoạt động vì không có nơi nào dám nhận hàng, cho dù đó là những sản phẩm hoàn toàn sạch, có kiểm định của cơ quan thú y. Các siêu thị lâu nay vẫn nhận hàng giờ không dám nhận nữa vì người tiêu dùng không mua. Dây chuyền ngừng hoạt động, còn công nhân cũng phải nghỉ việc. Cũng trước, vào vụ thì các vùng rau nhộn nhịp thu hoạch giao hàng thu tiền. Nay rau tươi mơn mởn ế đầy chợ, đọng trong vườn không thu hoạch vì thu hoạch rồi cũng chả bán được. Câu chuyện mất lòng tin là ở đó. Lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng thật khó. Giống như câu chuyện cậu bé chăn cừu mang đàn cừu của mình ra đùa giỡn rằng có chó sói khiến mọi người tưởng thật, vài lần như thế thì chẳng còn ai tin cậu bé nữa để cuối cùng cậu ta bị mất đàn cừu thật sự.

Ở thị trường chúng ta hiện nay, nhiều loại rau củ quả, thịt gia cầm, gia súc trên thị trường lâm vào tình trạng này là vì thế. Nhiều loại rau củ quả sạch bị ế, thịt gà tiêu chuẩn bị tồn đọng, người tiêu dùng thì thiếu thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Nhưng khắc phục và lấy lại lòng tin của người tiêu dùng không dễ và không thể ngay lập tức. Còn nhớ, tại Thái Lan trước đây, khi dịch cúm gia cầm lây lan, Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ đã phải đích thân mở tiệc mời và ăn thịt gà để khẳng định tiêu chuẩn vệ sinh an toàn của thịt, kêu gọi người tiêu dùng sử dụng để giúp ngành chăn nuôi trong nước vực lại hoạt động.
Với chúng ta hiện nay, các nhà quản lý cũng đã khẳng định những sản phẩm gia cầm được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không nhiễm dịch bệnh trong chăn nuôi, có chứng nhận của lực lượng thú y, được đưa về giết mổ tập trung tại các cơ sở giết mổ có giấy phép là đảm bảo an toàn, cần được tiêu thụ trên thị trường với điều kiện còn nguyên dấu bao bì đóng gói của các cơ sở giết mổ. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng kêu gọi đừng quay lưng với rau quả, thực phẩm gia cầm sạch, đảm bảo an toàn.
Vâng, người tiêu dùng cần cảnh giác nhưng đừng quay lưng với thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng. Người tiêu dùng thì mong lắm, rằng sự an toàn, sự đảm bảo chất lượng đó phải được đảm bảo chắc chắn. Mà người đảm bảo đó lại chính là nhà sản xuất, nhà quản lý thị trường./.

Lý Thái Phương

0 nhận xét:

.