Chuyện mới về Quả táo độc và Nàng Bạch Tuyết.


Chuyện cổ tích hiện đại kể rằng có cô gái hay lam hay làm, đi làm dâu trong một gia đình kinh doanh hoa quả ở nước láng giềng. Một hôm cả nhà chồng đi vắng mà lại có khách đến lấy hàng, thế là người vợ này bèn xắn quần trèo vào bể ngâm táo ở sau nhà vớt táo ra giao cho khách. Tối đến, khi các thành viên gia đình nhà chồng trở về nghe kể lại đã lặng đi … đưa mắt nhìn nhau rồi lẳng lặng thu xếp cho người con dâu xấu số trở về thăm quê với hi vọng còn kịp gặp mặt người thân lần cuối. Hoá ra trong bể nước ngâm rửa táo ấy có pha đậm đặc loại hoá chất có tác dụng giữ cho hoa quả tươi lâu gần như vĩnh cửu nhưng lại cực độc đối với con người …

Tất nhiên, chuyện được thêu dệt và phóng đại lên thì như thế, song trong thực tế không phải không xảy ra những chuyện đáng lo ngại thật sự. Chả vậy mà những loại hoa quả tương tự những quả táo được vớt ra từ bể hoá chất trong câu chuyện kia cho dù được vận chuyển qua khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thành phố này đến miền quê khác, qua ngày này tháng khác mà vẫn cứ tươi rói đến lạ lùng.

Chả nói đâu xa tận bên kia biên giới, cứ bước chân ra khỏi cửa nhà mình mà xem, ta sẽ thấy đầy rẫy những cái bể hoá chất kiểu ngâm táo như thế, chỉ có điều là với vô vàn hình thức khác nhau, với muôn ngàn quy mô khác nhau mà thôi. Này nhé, khúc cá thu sáng màu ngon lành, súc thịt bò đỏ tươi này tưởng vô cùng ngon bổ hoá ra lại ướp đẫm phân ure - thứ phân hoá học lẽ ra chỉ để bón vào đất để qua đất thấm vào cây trồng, chứ nếu có bón trực tiếp vào gốc cây thì cây cũng cháy sém mà chết thôi. Tảng thịt quay hồng thơm, bì giòn vàng ruộm bày trong các quầy kính kia trước khi vào lò quay lại chính là thịt của con lợn đã chết từ đời nảo đời nào bốc mùi hôi thối được thu gom về rồi đem tẩy rửa, có khi còn chảy nhớt xanh lè. Vậy mà khi ra đến quầy bán đã lại mang màu sắc và mùi thơm hấp dẫn.



Đơn giản nhất là mớ rau củ quả hàng ngày – món ăn bình dị nhất nhưng lại quan trọng đến mức không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của bất cứ gia đình nào mà sao cũng xanh rờn và dị dạng một cách đáng ngờ đến vậy. Làm sao mà bắp cải, su hào, cà rốt, khoai tây, rau cải, rau muống lại cứ vồng lên, ngổng lên, to ra quá mức như thế, cứ như cổ tích ngày xưa khi hạt lúa to bằng cái bát là có thật và trở về với hiện thực ngày nay vậy. Ngay như đôi đũa cái tăm cũng trắng bong với thuốc tẩm chống mối mọt. Nghịch lý nữa là món sữa - vốn là món dành cho con trẻ, bồi bổ cho người ốm, người già thì cũng từng xảy ra chuyện mang đầy chất độc hại melamine.

Đấy, nào đâu có thiếu các loại bể hoá chất ngâm rửa táo trong câu chuyện cổ tích thời hiện đại này. Có điều quả táo độc ngày xưa của bà hoàng hậu hiểm ác đáng ghét đem đi hại nàng Bạch Tuyết ngây thơ thì có hai màu trắng đỏ để mà cảnh giác và cũng chỉ có một quả thế thôi. Còn những hiện thực nguy hiểm chết người ngày nay lại đầy rẫy trên thị trường, trong mỗi món ăn, trên từng quầy hàng, đi ra từ các nhà vườn và các trang trại. Tất cả những hiểm hoạ ấy hoặc là cứ hiển hiện ngang nhiên, hoặc là được nguỵ trang khéo léo khiến người tiêu dùng ngày nay chẳng biết đường nào mà tránh, mà nếu có biết thì cũng khó tránh. Không lẽ ta lại thôi ăn rau, không lẽ ta lại bỏ ăn thịt, không lẽ ta lại dừng uống sữa. Không lẽ ước mơ và mục tiêu nâng chiều cao và sức khoẻ nòi giống con cháu Lạc Hồng lên một tầm cao mới lại đứt gãy giữa chừng.

Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế mang tên Từ trang trại đến bàn ăn dường như vẫn chỉ là một câu chuyện xa xôi. Ngay cả trên các bàn tiệc ngỡ như cao cấp, các món ăn còn có khi chẳng được đảm bảo an toàn vệ sinh huống hồ trong các cửa hàng bình dân và các gánh hàng rong trên đường phố, hay mỗi góc chợ nơi thôn quê xa xôi hẻo lánh. Theo thống kê ước tính của Tổ chức Y tế thế giới WHO thì có khoảng 8 triệu người Việt Nam bị ngộ độc và tiêu chảy mỗi năm do ăn uống – có nghĩa nếu tạm tính khiêm tốn dân số cả nước là 80 triệu cho dễ tính thì cứ 10 người lại có 1 người bị ngộ độc thực phẩm.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng thì mờ nhạt giữa thương trường sôi động mà phức tạp. Các cơ quan quản lý lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm thì đầy rẫy. Cục Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thấy cũng đưa ra nhiều chương trình, kế hoạch. Các cơ quan liên quan khác cũng nhiều hoạch định, chiến lược, rồi giải pháp, rồi lập đoàn thanh tra kiểm tra độc lập, thanh tra liên ngành, các đoàn kiểm tra định kỳ, rồi kiểm tra đột xuất v.v..và v.v.. nhưng kết quả thì cũng chả mấy ấn tượng. Thử xem đã có ai bị phạt tù vì nấu kẹo có trộn bột đá đâu, có ai bị bắt hay bị đi tù vì ướp phân ure vào thịt, cá đâu, thậm chí bơm tạp chất bẩn vào tôm làm ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia mà cũng có thấy bị sao đâu. Có những ai, và có bao nhiêu khâu kiểm tra giám sát rau quả thực phẩm trong suốt hành trình từ trang trại cho đến bàn ăn.

Trong các câu chuyện cổ tích ngày xưa, ông bụt, bà tiên thường hiện lên để cứu giúp những người nghèo khó lương thiện. Có điều là với những kẻ ác thì ông bụt bà tiên lại chẳng trừng phạt bao giờ. Chả thế mà bà hoàng hậu độc ác cứ tồn tại để nghĩ hết mưu này đến chước khác mà hãm hại nàng Bạch Tuyết yếu đuối không hề có thứ vũ khí gì trong tay. Nhưng cuộc sống hiện thực ngày nay thì phải khác.

Chúng ta đã bước sang năm thứ 10 của thế kỷ 21. Chúng ta đang sống giữa thế giới văn minh với những thành tựu khoa học kỹ thuật phi thường giúp con người không những nhận biết được thế giới mà còn cải tạo được thế giới. Những thành tựu khoa học kỹ thuật ấy phải được ứng dụng để phục vụ nhân loại. Cùng với các sự kiện tương tự như con người chinh phục sao Hoả thì những yêu cầu ngỡ là đơn giản như hoa quả thực phẩm phải thật sự tươi hơn, đẹp hơn, ngon hơn, bổ dưỡng hơn cũng phải được song hành trong cuộc sống. Từ trang trại đến bàn ăn cần phải được kiểm soát thật ngặt nghèo bởi nó giữ vai trò quan trọng và quyết định đến sự phát triển thể lực, trí tuệ của giống nòi.


Và có lẽ cũng nên nhắc lại rằng theo quy định của pháp luật hình sự, nếu một người không hành động trong trường hợp cần phải hành động thì anh ta là người có tội và sẽ bị trừng phạt./.

5.2010

0 nhận xét:

.