Đừng mang can xăng đi gần đám cháy

Đừng mang can xăng đi gần đám cháy - điều hiển nhiên đó những tưởng ai cũng biết - Vậy mà hôm qua cuối tuần ngồi điểm nhanh tin tức các báo lại thấy tin về bệnh viện ở Quảng Nam trả em bé sơ sinh dẫu là rất ốm yếu nhưng đang còn sống về cho gia đình và khuyên về nhà lo mai táng, thì lại giật mình choáng váng - rằng dường như không phải ai cũng thấy được mối hiểm nguy cao độ và hiển nhiên kia.

Nói vậy vì câu chuyện đau lòng 3 bé sơ sinh tử vong do tiêm thuốc phòng ngừa viêm gan vẫn chưa kịp lắng dịu thì lại xuất hiện thêm cái tin trả bé về thế này – khác nào đưa nguyên chiếc xe téc đầy ắp xăng chạy ngang một đám cháy. Dẫu rằng theo lời bác sĩ thì cháu bé đã hết khả năng để cứu chữa, thì liệu vị bác sĩ này có đúng pháp luật và đúng lương tâm đạo đức ngành y không khi đưa ra một quyết định như vậy?.


Mỗi đứa trẻ ra đời đều có quyền được sống và được hưởng cuộc sống đủ đầy an lành. Nói thì thật đơn giản vậy, nhưng đau lòng là có những cháu bé đã không được chứng kiến cuộc sống này bởi những lỗi cả khách quan và chủ quan, liên quan đến những tiêm chủng hay ngộ độc từ sữa nhiễm khuẩn, thậm chí là ăn bớt vắc xin tiêm phòng và rất nhiều lý do khác.

Cũng vẫn còn đấy rất nhiều phàn nàn, kêu ca về tình trạng y bác sĩ thiếu trách nhiệm, thiếu lương tâm đối với người bệnh, rồi nạn phong bì bôi trơn hành trình điều trị, hay kê toa thuốc hưởng hoa hồng của công ty dược …Tất cả gánh nặng chi phí ấy cuối cùng đều đổ lên đầu người bệnh và người nhà người bệnh.
Mỗi người chúng ta đều làm cha làm mẹ, cũng đều là con, cháu, anh chị em,  người thân, bạn bè và trong các mối liên quan của toàn xã hội. Ai cũng hiểu nỗi đau của sự mất mát và niềm vui của hạnh phúc. Mỗi cá nhân và xã hội có quyền thể hiện quan điểm bất bình và lên án để phê phán cái xấu trong xã hội, để bảo vệ cái hay cái tốt. (Nếu không thì chủ nghĩa “makeno – mặc kệ nó” đã làm chủ sao).

Tuy nhiên phải công bằng mà nói ngành y tế đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng đó, có điều các giải pháp này đều chưa mang lại hiệu quả mong muốn.

Cũng phải công bằng nói rằng trước những sự kiện đau lòng xảy ra, và trước cả những bất bình lên án và yêu cầu trách nhiệm của dư luận của nhân dân, mỗi ngày của Bộ trưởng Bộ Y tế và nhiều cộng sự từ cấp cao xuống đến cơ sở cũng đầy sóng gió, đầy dằn vặt về trách nhiệm, về lương tâm.

Chúng ta thấy hàng ngày, nơi các bệnh viện, trạm y tế, cấp cứu, đều đầy ắp bệnh nhân với đủ loại bệnh tật thương tổn đang được các y bác sĩ ngày đêm tận tình cứu chữa, giành giật cuộc sống. Ai từng phải vào bệnh viện và chứng kiến những hành vi tiêu cực thì chắc chắn cũng không thể phủ nhận sức làm việc bền bỉ ca nối ca, ngày nối ngày của đội ngũ y bác sĩ.

(Chính tôi, người viết bài này từng bắt gặp một bệnh nhân nữ đút 10.000 đồng vào túi blu một cô y tá để đổi lấy việc được tiêm bằng mũi kim nhỏ cho đỡ đau. Nhưng chính tôi cũng chứng kiến cảnh vị bác sĩ đứng tuổi đứng trong phòng mổ từ sáng cho đến đầu buổi chiều mới xong và mới bắt đầu ăn trưa thì lại ngay lập tức phải đứng lên vì lại có ca cấp cứu, mà không một lời phàn nàn.)

Các sự kiện đau lòng gây phẫn uất dư luận mới đây và cả trước đó nữa xảy ra trong ngành y đang gây ra những đám cháy lớn trong cộng đồng. Quan trọng là đừng để xảy ra thêm các vụ việc đau lòng ấy. Cũng đừng để có thêm những quyết định như của vị bác sĩ ở bệnh viện kia nữa.

Lửa thì vô cùng nguy hiểm và phải được dập tắt, đòi hỏi sự tham gia của những người trong cuộc và của toàn xã hội. Ngành y tế đang cố gắng dập lửa. Cộng đồng cũng đang chung tay dập lửa. Quan trọng là trong quá trình khẩn cấp và rất vất vả, gian khổ này, hãy chặn đứng để đám cháy đừng bùng lên được nữa. 

Và xa hơn thì đừng lái chiếc xe chở xăng chạy gần đám cháy./

    0 nhận xét:

    .