Phí hoài cây cầu vượt biển nhất Việt Nam



Trở lại Quy Nhơn giữa mùa hè nóng bỏng.

Thành phố biển miền Trung chói chang nắng. Cầu Nhơn Hội chạy ngun ngút từ thành phố bên này vươn dài sang bán đảo Phương Mai bên kia xa tít. Cầu Nhơn Hội từng được gọi là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam với chiều dài gần bảy cây số. Nhưng lạ là giờ đây cây cầu cứ tạnh ngắt, trống trơn, chỉ có gió biển độc thoại vào bầu không khí hừng hực và ràn rạt cát bay.

Rồi đêm xuống. Cầu Nhơn Hội bừng lên như một dải ánh sáng nổi trên nền thẫm của trời và biển. Nhưng cầu vẫn tạnh ngắt, vẫn chỉ có gió biển độc thoại giữa ràn rạt cát bay trong ánh sáng của những chuỗi đèn giăng suốt chiều dài cây cầu bắc qua đầm Thị Nại mênh mông gần năm ngàn hécta mặt nước biển.

Còn nhớ vào cuối năm 2006, lễ khánh thành cầu Nhơn Hội trở thành sự kiện nổi bật suốt nhiều ngày tháng trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội của thành phố Quy Nhơn, của tỉnh Bình Định, của khu vực miền Trung và của cả đất nước. Riêng phần cầu chính của Cầu Nhơn Hội có bề rộng 14,5 mét, dài 2.477 mét, với 53 trụ, 54 nhịp, nối thành phố Quy Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội sẽ được xây dựng trên bán đảo Phương Mai của thành phố. Vậy mà cây cầu vượt biển này, với vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng thời giá của những năm 2002-2006, qua 6 năm trời, đến nay vẫn lặng ngắt ở đó với vẻ “đẹp và thanh mảnh như một dải lụa trải ngang biển” -  y chang bình luận còn đó của một nhà văn trong ngày khánh thành cầu cách đây gần 6 năm.

Một anh bạn vong niên – một nhà giáo và cũng là một người khá nổi tiếng nơi mảnh đất Bình Định huyền thoại gắn liền với tên tuổi người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ, với thi sĩ Hàn Mặc Tử, với ông hoàng thơ tình Xuân Diệu và với rất nhiều danh nhân và địa danh khác này… đã tự lái xe ô tô cho mình dạo chơi thảnh thơi hai vòng trên cầu Nhơn Hội sang bán đảo Phương Mai. Đêm và đèn đường tạo nên cảnh đẹp và vô cùng lãng mạn trong khung cảnh vắng ngắt. Mình đòi dừng lại trên bán đảo hóng gió biển. Cát bay đầy tóc. Trước những ngạc nhiên và xót xa của mình về cây cầu và cả một tổ hợp công trình tầm vóc như thế bị bỏ rơi, anh bạn vong niên giải thích ngắn gọn rằng đó là kết quả của sự đầu tư thiếu khoa học. Trước ngạc nhiên hơn của mình, anh khoát tay một vòng và nói thêm, đấy, gió ù ù thế, gió đầy muối mặn thế, cát bay ràn rạt thế, không có nguồn nước ngọt thế … nhà máy nào, thiết bị nào, dây chuyền sản xuất nào, dự án nào có thể tồn tại và hoạt động được.



Ờ thật ! Đầy gió thổi, đầy cát bay, hơi nước biển mặn, không nguồn nước ngọt. Đúng là chả có con người và máy móc nào tồn tại được thật, nói gì đến xây dựng cả một khu kinh tế trên bán đảo này. Khoa học về kinh tế và thực tế muôn đời nay đã chứng minh rằng hạ tầng giao thông (mà đương nhiên có hạng mục cầu, đường …) là yêu cầu đầu tiên và vô cùng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của một vùng, của một đất nước, của thế giới này. Vậy mà ở nơi đây, cầu đường hiện đại thế này lại chỉ có thể đề cho xe ô tô dạo chơi thôi./.

0 nhận xét:

.