Nâng tầm thương hiệu Việt





Hàng Việt Nam lên một vị trí mới

Những ngày qua có một thông tin được đăng tải chỉ chiếm một diện tích nhỏ trên các mặt báo nhưng lại vô cùng ý nghĩa đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là chuyện Liên minh Châu Âu EU đã công nhận chất lượng mật ong tươi của Việt Nam và cho phép sản phẩm này được xuất khẩu bình thường vào EU.

“Xuất khẩu bình thường” có nghĩa là mật ong tươi của Việt Nam được xuất khẩu thẳng vào thị trường EU vốn đòi hỏi đầy ắp các tiêu chuẩn khắt khe về hàng hóa, mà không phải chịu sự kiểm soát ngoại lệ nào. Điều đó có nghĩa là hàng hóa Việt Nam (tất nhiên không chỉ là mật ong), đã chiếm được lòng tin của các nhà quản lý tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU và của người tiêu dùng EU khó tính.

Nhìn lại hoạt động xuất khẩu những năm gần đây, đặc biệt là từ sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, thấy rằng hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam đang vươn ra thị trường toàn cầu, cho dù sự vươn ra này chưa nhiều và cũng còn những dè dặt. Dù sao giữa đầy rẫy những tiêu chuẩn khắt khe của WTO mà chủ yếu là tiêu chuẩn phi thuế quan (những tiêu chuẩn về kỹ thuật, môi trường, an toàn thực phẩm … chứ không phải thuế suất) rất chặt chẽ, một số hàng hóa Việt Nam đã chiếm được vị trí xứng đáng ở thị trường trên thế giới.

 Đường đi của hàng Việt còn nhiều truân chuyên.

Một trong những mặt hàng mang về kim ngạch xuất khẩu lớn sớm nhất là hàng dệt may. Thế nhưng chính mặt hàng này lại mang nghịch lý đặc trưng của hàng xuất khẩu Việt Nam – xuất khẩu hàng gia công, tức là chỉ đi làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài để được trả công. Trong số kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt được vài tỷ đô la Mỹ mỗi năm và tăng nhanh theo thời gian, lợi nhuận mang về thật sự chỉ chiếm một phần nhỏ. Theo công bố của Bộ Công Thương, cho đến hiên nay (quý I năm 2013) tỷ lệ hàng dệt may gia công vẫn chiếm tới trên 75% của tổng hàng dệt may xuất khẩu, chỉ có khoảng hơn 21% là hàng doanh nghiệp tự sản xuất và xuất khẩu (vẫn được gọi là xuất F.O.B) nhưng F.O.B thì cũng phải nhập khẩu nguyên liệu. Gia công đồng nghĩa với chuyện các sản phẩm đó mang thương hiệu, nhãn hàng của nước ngoài và lợi nhuận đương nhiên là thuộc về họ. Hình thức làm gia công như thế lâu nay cũng diễn ra với ngành giày da, thậm chí đồ gỗ và tuy đồ gỗ có chút khác biệt là tự sản xuất xuất khẩu (nhưng có đến trên 80% nguyên liệu của sản phẩm là phải nhập khẩu.)

Không phủ nhận chuyện làm gia công cũng mang lại những lợi thế đáng nói như  nâng cao kinh nghiệm và tay nghề cho công nhân, công nhân được làm quen với các thiết bị dây chuyền hiện đại, với tác phong sản xuất công nghiệp, song lợi nhuận mang về lại rất thấp. Chính vì thế yêu cầu về thương hiệu hàng Việt – hàng hóa do doanh nghiệp tự thiết kế, sản xuất và xuất khẩu để mang lại lợi nhuận lớn phải đặt ra.

Với hàng nông sản, lâu nay các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, chưa chế biến hoặc chỉ sơ chế. Lượng cà phê Robusta của Việt Nam xuất khẩu nhiều đến mức có thể tác động làm biến động giá cà phê trên thị trường thế giới, nhưng hầu như cà phê đã qua chế biến của Việt Nam không có vị trí trên thị trường nước ngoài. Tình trạng này xảy ra tương tự với nhiều loại nông sản xuất khẩu khác.

Tuy nhiên, thế giới đã biết đến con cá tra của Việt Nam với sản phẩm phi lê cá được người tiêu dùng Mỹ và châu Âu ưa thích. Thế giới cũng biết đến con tôm Việt Nam – nổi tiếng tới mức bị cạnh tranh bằng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp một cách vô lý. Lẽ ra chúng ta phải nắm lấy cơ hội này để quảng bá thương hiệu tôm cá Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng trong thực tế cơ hội như thế lại chưa được tận dụng, thậm chí còn có những sơ suất không đáng có. Con tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - nơi được coi là một trong số ít thị trường khó tính nhất thế giới đối với hàng nhập khẩu, đã từng được hưởng chính sách 100% các lô hàng đi qua cửa khẩu không bị kiểm tra dư lượng chất cấm trong sản phẩm. Thế nhưng đáng tiếc sau đó Nhật Bản đã áp dụng trở lại việc kiểm tra này do doanh nghiệp có những vi phạm về chính dư lượng chất cấm kia – hậu quả của cách làm ăn chưa ổn định, chưa xứng tầm giao dịch quốc tế của một số doanh nghiệp. Mỗi sự kiện vụ việc như thế làm ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa Việt Nam và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam.

Giờ đây thế giới tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn, hàng hóa tiếp tục được toàn cầu hóa. Trong chuỗi dây chuyền sản xuất kinh doanh toàn cầu ấy thương hiệu nào lấy được lòng tin của người tiêu dùng nhanh hơn và lâu bền hơn sẽ thành công hơn, mang về hiệu quả cao hơn.

Nâng tầm thương hiệu Việt

Việt Nam đã có Ngày Thương hiệu quốc gia, và Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam nhằm “xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, tạo được uy tín vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế”.

Gần đây thị trường trong nước xuất hiện chuỗi cửa hàng mang biển hiệu “Made in Việt Nam” (tức là sản xuất tại Việt Nam). Đây là một cố gắng của các nhà kinh doanh trong việc khai thác thị trường nội địa. Thế nhưng sản xuất tại Việt Nam cho dù trường hợp này các nhà kinh doanh muốn xây dựng thành thương hiệu thì thực tế mới chỉ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm hàng hóa trong các cửa hàng này là do các công ty, doanh nghiệp khác nhau trong cả nước sản xuất chứ không gắn liền với tên tuổi của một doanh nghiệp nào mang tên Made in Viêt Nam. Thị trường thế giới biết đến thương hiệu hàng hóa và doanh nghiệp (ví dụ Samsung, Nokia, Toyota, BMW … chứ đâu phải theo cách “Made in Korea, Made in Japan” …). Cũng như thế, thương hiệu hàng Việt Nam phải kiểu như là Cà phê Trung Nguyên, Vina Cafe, May 10, Việt Tiến … Thương hiệu hàng hóa phải rõ ràng, gắn với thương hiệu đó là tên tuổi, trách nhiệm, quyền lợi và địa vị pháp lý của một “cá nhân” doanh nghiệp. Thương hiệu hàng hóa sẽ góp phần tạo nên thương hiệu quốc gia.

Để làm được yêu cầu đó, vai trò đầu tiên thuộc về từng nhà sản xuất kinh doanh với tên tuổi và hàng hóa cụ thể./.



DNHN.VN 24/04/2013 03:03:30 PM

0 nhận xét:

.