Chớp nhoáng Berlin, nhìn về Hà Nội (phần cuối)



Khoảng cách thế hệ

Những ngày chớp nhoáng lại Berlin, tôi may mắn có một bạn đồng hành người Đức tên là Volkmar Schulze, chúng tôi vẫn gọi thân mật là Phoi ki.

Đó là một người đàn ông ngoài 60 tuổi, dáng cao lớn khỏe mạnh, đầy râu ria dù được cắt tỉa gọn gàng với mái tóc trắng nên tôi vẫn gọi đùa là Ông lão đánh cá, bởi ông có dáng dấp của Nhà văn Hemingway nổi tiếng với tác phẩm huyền thoại Ông già và biển cả đã được dịch sang tiếng Việt.

Volkmar Schulze mang dáng dấp của Nhà văn Hemingway
Phoi-ki là người Đông Đức, một người hoài cổ, hay nói đúng hơn là “hoài cũ”. Là người trải qua chế độ hai miền Đông và Tây trước kia và nước Đức thống nhất bây giờ, ông luôn hoài niệm, nhớ về và nuối tiếc chế độ cộng sản XHCN tốt đẹp của Đông Đức cũ.

Ở đó ông có cuộc sống thanh bình, yên ấm, có việc làm phù hợp và thu nhập ổn định. Khi bức tường Berlin sụp đổ, ông là một trong những người thấy mình bị tác động và tổn thương nhiều nhất.

Giờ đây với hiệu ảnh nhỏ của mình, ông chật vật, cặm cụi hành nghề để lo toan đắp đổi cuộc sống. Mỗi lần chạy xe chở tôi qua vườn hoa nơi tượng Các Mác và Ăng ghen đã bị chuyển vào phía góc khuất của vườn hoa thay cho ở vị trí trung tâm vườn hoa trước đây, ông đều cằn nhằn bất bình về việc dịch chuyển không thể chấp nhận này.

Ông cũng luôn xót xa mỗi khi đi qua khu vực trước kia là nhà văn hóa nơi từng diễn ra các sự kiện lớn, hay các lễ kỷ niệm lớn của Cộng hòa Dân chủ Đức, nay đã bị phá bỏ. Một vài người ở Berlin cũng kể cho tôi nghe hiện tại có khá nhiều người Đức đứng tuổi như Phoi-ki rơi vào tâm trạng ấy.

Vì thế cũng rất dễ hiểu khi cùng chúng tôi đi thăm di tích đau thương là Trại tập trung nơi phát xít Đức hành quyết và xịt hơi ngạt giết chết hàng triệu người dân Do Thái, Phoi-ki đã rất phẫn nộ khi thấy đám trẻ thời nay, vì tò mò và hiếu kỳ (nhưng theo cách nhìn của chúng tôi thì thấy đám trẻ có thể rất nghiêm túc), cùng nhau thử nghiệm sự chết chóc với việc lăn, bò và chui nhủi để tìm cách thoát ra khỏi khu vực canh phòng đầy ắp sự chết chóc hiểm nguy xưa kia vẫn được giữ nguyên đến nay. Với Phoi-ki, cái đám trẻ này không thể mang một sự kiện đau thương như thế ra để làm trò chơi.

Giới trẻ Đức tìm hiểu quá khứ
Nói đến bức tường Berlin, giờ đây ngày ngày vẫn có rất đông người, cả du khách và cả những người Đức đến lại những nơi còn lại của bức tường nay đã trở thành kỷ niệm hồi ức và tưởng niệm những gì đã qua. Rất nhiều mảng tường đã được thu thập về từng khu vực rồi được trang trí đẹp đẽ, được vẽ lên các nhân vật, các sự kiện và đem trưng bày bên hè phố.

Ở những khu vực lưu niệm và những mảng tường khác, người ta lặng lẽ bên những bức ảnh của những người đã bỏ mạng khi vượt qua bức tường ngăn cách giữa hai chế độ, người ta cũng yên lặng xót xa, bùi ngùi theo dõi những bộ phim tài liệu chiếu quay vòng liên tục kể lại lịch sử của bức tường cũng như những sự kiện bi thảm của thời trước khi bức tường bị phá bỏ.

Còn chếch ở góc phố kia, có một ông già vẫn lặng lẽ ngồi bán những đồ vật cũ được quảng cáo là của hồng quân Liên Xô ngày trước. Đó là chiếc áo quân phục mà góc tay áo đã sờn, là chiếc huy hiệu cũ, cái đồng hồ, thậm chí là chiếc ống nhòm cũng sứt sẹo cho ra dáng là đồ cũ.

Trên đường phố mọi vật chứng của quá khứ vẫn đấy như vừa mới xảy ra. Còn người ta cũng vẫn nối nhau vào Viện Bảo tàng lịch sử để nhìn lại tất cả những dấu ấn này và nhiều sự kiện bi thương cũng như hùng tráng khác của cả hai miền Đông,Tây và nước Đức thống nhất.

Cuộc sống trong lòng Berlin

Bên cạnh sự hoài niệm của thế hệ đứng tuổi ấy, cuộc sống hiện tại trong lòng Berlin lại rất sôi động. Trong bảo tàng lịch sử trang nghiêm và đẹp đẽ của Berlin, vào các chiều tối, khoảng sân rộng trước sảnh chính được cho thuê để tổ chức các sự kiện tiệc tùng, giải trí.
Mới khoảng bốn giờ chiều khi khách còn đang vào tham quan, sân bảo tàng đã được kê đầy ắp bàn ghế với khăn trải bàn đẹp và rất nhiều loại ly tách dành cho một buổi tiệc ngoài trời với vài trăm khách. Chốc nữa thôi, tượng của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử được gắn trên các bức tường trang nghiêm và đẹp đẽ trong sân của bảo tàng sẽ bình thản chứng kiến các thực khách cụng ly và sử dụng dao nĩa – những hình ảnh như những lát cắt của cuộc sống hiện tại. 

Chợt nhớ ở Hà Nội nhà mình, vừa rồi cũng có khá nhiều bài báo, ý kiến gay gắt phản đối việc cho phép tổ chức các tiệc cưới trong sân bảo tàng cách mạng.

Tòa nhà quốc hội Đức là nơi tổ chức các cuộc họp để quyết định mọi điều quan trọng của Liên bang, lại cũng là một điểm tham quan du lịch của cả người dân Đức lẫn du khách. Mặc dù thủ tục kiểm tra an ninh để vào tham quan diễn ra rất nghiêm ngặt, nhưng bất cứ ai muốn, chỉ cần trình giấy chứng minh và tuân thủ quy định là có thể vào tham quan.

Cơ quan Quốc hội Đức tọa trên một diện tích mênh mông, nơi có cả một dòng sông chảy xuyên qua với những con thuyền thấy chuyên chở đấy ắp than đen qua lại.

Vị Phó Chủ tịch quốc hội Đức - người được coi là nhân chứng của hai chế độ hai miền Đông Tây trước đây và một nước Đức sau đó, một phụ nữ năng động cởi mở, đưa chúng tôi đi thăm tòa nhà quốc hội Đức.

Bà rất vui vẻ giới thiệu với chúng tôi nơi làm việc của các vị đại biểu Quốc hội, vị trí ngồi họp của từng Đảng trong phòng họp và kể rất vui và thẳng thắn rằng, mỗi buổi họp như thế các đại biểu đều được nhận tiền thù lao và các đại biểu phải làm thủ tục ký tên điểm danh khi vào họp rồi sau đó mới được nhận tiền.

Bất kể là ai, nếu quên thủ tục ký tên điểm danh này, cho dù có tham dự cuộc họp thì cũng không được nhận tiền. Bà kể mình cũng đã từng nhiều lần bị đi họp “không công” như thế.

Thú vị là ngay trong tòa nhà Quốc hội, bên cạnh những phòng họp hiện đại, vẫn còn đầy rẫy những dấu tích cũ của chiến tranh được giữ lại như những kỷ niệm của một thời. Trên tường vẫn thấy rất nhiều những chữ ký mà chúng tôi được giới thiệu phần lớn là của những chiến sĩ hồng quân Liên Xô vào giải phóng Berlin hồi chiến tranh thế giới thứ hai. Rất nhiều vết đạn, vết tường nứt, lở vôi vữa cũng được khoanh giữ, lưu lại song hành với hiện tại.

Cửa phòng làm việc của Quốc hội Đức vẫn lưu giữ các chứng tích chiến tranh
Trên phố, ở một góc đường, nơi trước kia là từng là trạm gác cũ, giờ đây có chàng trai trẻ cao lớn mặc quân phục của thời bấy giờ, cầm súng đứng gác làm mẫu cho du khách chụp ảnh chung. Có điều chàng trai này đeo một tấm biển có dòng chữ yêu cầu mỗi lần chụp ảnh, khách phải trả cho chàng ta 2 EUR (bằng gần 60.000 đồng Việt Nam hiện nay). Rất nhiều du khách đã chụp ảnh chung với anh chàng giả lính cũ này. Và hàng ngày thu nhập của chàng ta chắc chắn không hề ít.

Tại Tháp Truyền hình của thành phố, nơi có quán cà phê trên mãi cao tít kia, quán cà phê luôn đầy ắp khách cả khách người Đức và khách nước ngoài. Để có được một chỗ ngồi nhâm nhi ly cà phê Capuchino nóng hổi thơm lừng đặc trưng cà phê Đức và ngắm nhìn thành phố trong khi tháp quay vòng, phải mua vé và hơn nữa phải đăng ký trước và chờ đợi đến lượt – khoảng vài ngày.

Thế nhưng đáng nói là vào tham quan và giám sát Quốc hội họp cũng như những nơi lưu niệm lịch sử … thì không hề phải mua vé. Thậm chí khi đến trung tâm San Suci trong lòng Potsdam (kiểu như khu phố cổ của Hà Nội), chúng tôi chợt gặp một bãi cỏ nhỏ có tượng vua Friedrich der Grosse la - người vào năm 1730 đã quyết định đưa củ khoai tây vào làm lương thực chính của nước Đức, thấy rằng hàng ngày người dân vẫn luôn mang đến hoa tươi và những củ khoai tây lớn nhỏ còn tươi nguyên để tưởng nhớ và biết ơn ông.

Thói quen tạo phong cách
Ở Đức, điện được tiết kiệm đến từng chiếc bóng đèn nhỏ. Hầu hết dùng bóng đèn điều khiển theo cảm ứng, có người đến, đèn sẽ tự sáng, người đi khỏi đèn sẽ tự tắt.

Có điều lạ là trong khi ở nước mình đang có phong trào dùng bóng đèn ánh sáng trắng (điện quang) để tiết kiệm điện thì ở Berlin và những thành phố của Đức tôi đến, thấy sử dụng đa phần là bóng đèn ánh sáng vàng.

Đức là đất nước được nhắc nhiều đến như một tấm gương sử dụng năng lượng sạch, như điện gió, điện mặt trời. Làm việc với một vị giáo sư thuyết trình về năng lượng sạch, ông rất hào hứng về những ưu điểm ưu thế của phong điện và khẳng định nước Đức rất nhiều điều kiện thuận lợi để tiên phong phát triển và sử sụng năng lượng gió này.

Tuy nhiên khi tôi hỏi về tỷ lệ phong điện đang được sử dụng ở Đức thì ông cũng phải ngậm ngùi công nhận rằng mới chỉ rất thấp, có 16% mà thôi. Tỷ lệ còn lại vẫn là từ điện hạt nhân.

Tác giả (áo màu cam) tại khu di tích và tưởng niệm về bức tường Đông - Tây
Lại nữa, khi chúng tôi đi thăm một gia đình ở một thị trấn cách Berlin chừng 550 kilomet, hai bên đường xe chạy qua thấy loang loáng các “cánh đồng điện” với những cánh quạt gió láp loáng. Cô bạn ở đấy kể nhiều người cũng muốn lắp đặt hệ thống phong điện cho gia đình, ngặt nỗi chi phí đắt quá.

Thậm chí sau hai năm sử dụng nếu đổi mới thiết bị và đương nhiên là phái đổi mới thì chi phí để dọn và xử lý các thiết bị cũ bỏ đi này còn cao hơn cả chi phí đầu tư thiết bị mới.

Vậy là với nước Đức, một quốc gia kinh tế phát triển nhất châu Âu hiện nay, vấn đề năng lượng sạch cũng đang vấp phải khó khăn muôn thuở giống như những nước nghèo. Và để tiết kiệm điện một cách thiết thực nhất, chúng tôi thấy phía sau căn hộ của gia đình cô bạn nối ra một phòng kính nhỏ nhô khỏi căn hộ ra ngoài trời, lạnh ngắt, trong đó xếp đầy rau quả, thức ăn… Chủ nhà đùa vui rằng đó là tủ lạnh tự nhiên, tủ lạnh ngoài trời – tiết kiệm điện. Với nhiệt độ ngoài trời xuống thấp tới mức thường xuyên có băng tuyết thì quả thật đây là một tủ lạnh lợi hại.

Chắc đã từ lâu lắm, nếp sống công nghiệp hiện đại đã ăn sâu vào mỗi người dân nơi đây. Làm việc, đi nhanh, nói đủ nghe, và đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật và ý thức về nếp sống văn minh cũng như cách ứng xử vô cùng thân thiện.

Trong căng-tin của tất cả các cơ quan, văn phòng và cả những quán ăn bình dân (chỉ trừ có nhà hàng, khách sạn) tất cả mọi người đều tự phục vụ. Tất cả đều theo một quy trình rất quen thuộc. Vào nhà ăn, xếp hàng lần lượt đi qua tự lấy cho mình khay, dĩa, đồ uống, thức ăn, tính tiền rồi tìm bàn để dùng bữa.

Chúng tôi thật sự ấn tượng trước cảnh vào bữa trưa tại Viện nghiên cứu khoáng sản và môi trường. Ở đó, trước cửa nhà ăn, đoàn người rồng rắn cứ dài ra mãi chờ đến lượt mình. Đồ ăn cũng khá là đơn giản. Ở các nhà ăn như thế, tất cả đều ăn như nhau về món, chỉ có thể chọn lựa một trong số ba đến bốn loại suất ăn được quy định sẵn.

Và tôi được giải thích rằng người Đức quan tâm đến lượng calo trong bữa ăn đủ cho cơ thể hơn là chế biến các món ăn cầu kỳ. Quả thật, các bữa ăn thấy rất nhiều xúc xích, thịt nguội, thịt bò hầm, phô mai, bơ sữa, khoai tây. Đồ uống hàng ngày ngoài trà và cà phê thì chủ yếu là các loại nước ngọt đóng chai.

Ăn, uống xong, lại lần lượt xếp hàng tự đi trả khay đĩa vào nơi quy định. Không có một chút thức ăn thừa nào còn lại trên khay đĩa. Ăn được ít bữa như thế, tôi nhớ những bữa cơm ở nhà với nhiều loại rau xanh non, với nhiều món ăn được chế biến thơm phức, nóng hổi, món nào mang đặc trưng riêng biệt của món ấy. Nhưng cũng lại nhớ những bữa tiệc cao sang ê hề thịt cá, ăn xong có mâm còn thừa đến nửa số thức ăn bỏ đi. Trong khi ở nhiều gia đình, mâm cơm lại vô cùng đạm bạc, thậm chí còn thiếu thốn và nghèo đói.

Trong tất cả các văn phòng, cơ quan, nhà hàng, phòng họp ( tóm lại là những nơi sinh hoạt dành cho công cộng) … ở Berlin đều có riêng một khu vực cho khách treo áo khoác trước khi vào phòng. Ở Berlin mùa đông, ngoài đường trời rất lạnh, tuyết rơi, nhiệt độ xuống thấp, nhưng khi vào trong nhà, hệ thống lò sưởi khiến không khí ấm áp, dễ chịu. Vì thế, những chiếc áo khoác to dày và nhiều khi nặng trịch vô cùng cần thiết khi ở ngoài đường khi vào trong nhà ấm áp cần phải có chỗ treo xứng đáng với vai trò quan trọng của nó.

Như hôm đi thăm tòa nhà Quốc Hội Đức, dọc theo hành lang bên ngoài các phòng làm việc, là những giá treo đầy ăm ắp các loại áo khoác của khách tham quan, trông như các khu vực bán quần áo ở siêu thị. Thế mà lúc trở ra, áo của ai thì đến tay người đó một cách chính xác để bước ra đường đang lạnh giá.

Mới chỉ là chớp nhoáng

Với tôi, một vòng Berlin như thế mới chỉ là chớp nhoáng. Khi tôi đến cả Berlin ngập vàng trong màu của lá phong huyền thoại khi chuyển mùa. Và chỉ ngay sau đó vài ngày, tuyết đã rơi trắng xóa, ngập dày trên mặt đường, gây ách tắc giao thông, đình trệ hoạt động xe cộ, máy bay.

Thế nhưng khi tuyết ngừng rơi, đường phố được dọn sạch, hoạt động của một thành phố mang dáng vẻ lạnh lùng dửng dưng nhưng chứa rất nhiều sự kiện và câu chuyện cũ mới đan xen lại hòa vào guồng chung của cả Châu Âu, kể cả khi châu Âu phát triển và có những khó khăn khủng hoảng tài chính hiện tại.

0 nhận xét:

.